Tòa nhà xanh tiết kiệm năng lượng: Cần các giải pháp hỗ trợ

Theo kết quả kiểm toán năng lượng các loại tòa nhà từ năm 2002 đến năm 2010 tại TP HCM, hầu hết chi phí năng lượng tiêu thụ ở các tòa nhà dành cho điều hòa không khí chiếm tới 58-76%. Nguyên nhân là do việc thiết kế và thói quen sử dụng năng lượng trong các tòa nhà còn nhiều bất cập dẫn đến gây thất thoát, lãng phí năng lượng, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp
Hầu hết các công trình chưa tận dụng được các nguồn sáng tự nhiên hoặc sử dụng chưa đúng cách nên nguồn năng lượng dành cho chiếu sáng chiếm từ 9 – 18%. Đây cũng là tình hình chung của việc sử dụng trong các tòa nhà tại Việt Nam hiện nay. Để khắc phục tình trạng này, giải pháp tốt nhất là thực hiện mô hình tòa nhà xanh (green building) giúp tiết kiệm tối đa từ 25%-40% điện năng. Ở Việt Nam, mô hình tòa nhà xanh đã được ứng dụng tại khá nhiều công trình và đã giúp tiết kiệm từ vài trăm triệu đồng đến gần 1 tỉ đồng/năm từ việc tiết kiệm năng lượng (TKNL). Tuy nhiên, việc phát triển các tòa nhà này vẫn còn rất chậm chạp.
Tòa nhà xanh: tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm
Tòa nhà Diamond Plaza (TP. HCM) được coi là một trong những tòa nhà đẹp nhất Việt Nam không chỉ vì nó nằm ở vị trí đắc địa của thành phố lớn mà còn vì kết cấu xây dựng, kiến trúc và các hệ thống kỹ thuật hiện đại đã giúp tòa nhà tiết kiệm được khoảng 10%–40% năng lượng. Toàn bộ hệ thống điện, hệ thống lạnh và các tiện ích trong tòa nhà đều được kiểm soát và điều khiển bởi hệ thống điều khiển tự động. Các thiết bị đo lường, các cảm biến theo dõi được hết sự hoạt động của tất cả các hệ thống kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống điện, vì vậy, công tác kiểm toán và kiểm tra tiêu thụ năng lượng được thực hiện một cách chi tiết và chính xác. Các dữ liệu về tiêu thụ năng lượng đều được lưu lại sau mỗi ngày, tháng, năm. Do đó, máy tính của hệ thống điều khiển tự động có thể cho số liệu chính xác phụ tải và tình hình tiêu thụ năng lượng tại bất cứ thời điểm nào trước đó. Bộ phận kỹ thuật, hệ thống điều khiển tự động được ứng dụng vào công tác quản lí và TKNL nhằm điều chỉnh hợp lí (tối thiểu) thời gian vận hành cho các thiết bị, giúp cho việc kiểm soát phụ tải điện, điều chỉnh tự động tải lạnh phù hợp theo từng thời điểm và thời tiết. Toàn bộ hệ thống động cơ quạt máy lạnh AHU, động cơ quạt tháp giải nhiệt, động cơ quạt thông gió tầng hầm và các phòng máy đều được lắp biến tần để TKNL. Toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng trong tòa nhà đều là các loại đèn TKNL, đèn LED có công suất tiêu thụ điện thấp được vận hành bằng hệ thống điều khiển từ xa và tự động bằng máy tính tại phòng điều khiển trung tâm, có thể tự động tắt mở theo thời tiết, theo mùa và không tốn công đi tắt mở đèn tại từng khu vực.. Nguồn ánh sáng tự nhiên, gió tự nhiên đều được tận dụng ở mức tối đa. Sắp tới, tòa nhà còn lắp biến tần cho tất cả các thiết bị sử dụng động cơ điện 3 pha không đồng bộ, lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời, máy phát điện gió và thay hệ thống máy lạnh cũ bằng hệ thống mới tiên tiến và có hiệu quả TKNL cao nhất hiện nay. Chỉ tính riêng lắp biến tần cho hệ thống quạt gió, thang máy và bơm nước với vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, mỗi năm tòa nhà đã giảm 30% tỷ lệ sử dụng điện (hơn 4,5 triệu KWh), giảm phát thải gần 2000 tấn CO2/năm, tiết kiệm được trên 6,5 tỷ đồng.
Hệ thống Big C Việt Nam cũng là điển hình về tiết kiệm điện. Bà Dương Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại Big C Việt Nam cho biết, lượng điện tiêu thụ tại hệ thống Big C chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Từ cuối năm 2010, Big C đã sử dụng đèn huỳnh quang tiết kiệm điện T5, trang bị hệ thống giám sát và quản lý điện năng. Sử dụng vật liệu như tường 3D hoặc mái có tính cách nhiệt, giảm thiểu sự trao đổi nhiệt trong và ngoài siêu thị. Trang bị toàn bộ hệ thống tủ, quầy đông lạnh có hiệu suất tiết kiệm điện cao hơn so với quầy lạnh thông thường. Đặc biệt, hệ thống bồn trữ lạnh (178 m3) kết nối với hai máy lạnh có công suất 700 kW/máy chỉ vận hành vào ban đêm khi giá điện rẻ để tạo đá lạnh. Ban ngày, lượng đá tan chảy sẽ cung cấp khí lạnh cho hệ thống điều hòa của trung tâm thương mại. Theo tính toán, các giải pháp sẽ giúp Big C tiết kiệm khoảng 20% lượng điện sử dụng so với trước.
Tại Tòa nhà Quốc hội đang được xây dựng, các giải pháp công nghệ, thiết bị, giải pháp kiến trúc cho công trình đều đảm bảo khả năng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Đó là việc lắp đặt hệ thống điều khiển quá trình PCS và hệ thống AHU, tận dụng năng lượng tái tạo để vận hành điều hòa không khí tiết kiệm được 30% điện năng tại hệ thống điều hòa. Hệ thống quản l‎ý điện được tích hợp với phần mềm BMS giúp sử dụng năng lượng có hiệu quả. Hệ thống chiếu sáng được chia nhóm theo công năng sử dụng, hệ thống đèn tiết kiệm điện có khả năng điều khiển độ sáng, có trang bị bộ đếm thời gian, cảm biến chuyển động để tối ưu hóa việc chiếu sáng. Hệ thống pin năng lượng mặt trời có thể tự động hòa với hệ thống điện sẽ bổ trợ nguồn điện cho hệ thống chung của tòa nhà. Toàn bộ nhiệt năng thu hồi được từ hệ thống điều hòa không khí được bổ sung cho hệ thống đun nước nóng phục vụ ngược lại cho toàn bộ công trình.
Tòa nhà 6 tầng ở số 18 Hai Bà Trưng Quận 1, Tp. HCM được cải tạo từ một tòa nhà cũ 5 tầng. Tòa nhà được lắp hai lớp kính và lớp tường đôi dày khoảng 50cm có tác dụng cách nhiệt cùng hệ thống thông gió khép kín tạo cảm giác rất thoải mái cho người sử dụng. Các ô cửa sổ còn được phủ một lớp màu giúp ngăn cản sức nóng của ánh sáng mặt trời từ bên ngoài. Phía trên các ô cửa sổ được lắp đặt các tấm chắn để tận dụng ánh sáng tự nhiên giúp tiết kiệm năng lượng một cách tối ưu nhất.
Vincom Center là tòa nhà Bất động sản “xanh” đầu tiên của Việt Nam với ý tưởng sử dụng kính Low-E. Đây là loại kính được phủ một loại hợp chất đặc biệt có thể ngăn ngừa 10% cường độ ánh sáng mặt trời, phát xạ nhiệt chậm, làm giảm sự phát tán và hấp thụ nhiệt, làm chậm quá trình truyền tải nhiệt nhưng vẫn đảm bảo độ sáng của không gian bên trong. Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm chi phí vận hành điều hòa nhiệt độ, chống lãng phí năng lượng và bảo đảm sức khỏe cho nhân viên trong những ngày nắng nóng. Ngoài ra, hệ thống nước nóng sử dụng năng lượng Mặt trời, hệ thống thông gió và điều hòa không khí được điều khiển bởi hệ thống điều khiển thông minh tiết kiệm điện.

Cần thúc đẩy mạnh hơn xây dựng tòa nhà xanh
Theo các chuyên gia, việc xây dựng các cao ốc xanh ở Việt Nam rất thuận lợi vì Việt Nam đang trong tiến trình xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Việt Nam lại có nguồn tài nguyên sẵn có như gió, mặt trời có thể tận dụng để xây dựng các tòa nhà xanh. Các cao ốc xanh thân thiện với môi trường không chỉ tốt cho người sử dụng mà còn là một lợi thế cạnh tranh cho các nhà đầu tư bất động sản. Bởi vì, một trong những tiêu chuẩn được khách hàng ưu tiên lựa chọn mỗi khi mua hay thuê một căn hộ chính là yếu tố ánh sáng, chất lượng không khí tốt hơn và tiết kiệm năng lượng. Ông Yannick Millett, Giám đốc Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), cho rằng, một cao ốc nếu được thiết kế hợp lý thì không chỉ tiết kiệm được 30% điện năng tiêu thụ, 30%-50% lượng nước sử dụng của tòa nhà mà còn giảm được 35% khí thải CO2 và giảm được 50%-90% các loại rác thải khác.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm TKNL TP HCM, rào cản lớn nhất với các công trình xanh là suất đầu tư cho các chi phí liên quan đến lĩnh vực thiết bị cơ điện sẽ tăng 20% – 40% đã khiến các doanh nghiệp còn dè dặt trong việc đầu tư. Bên cạnh đó, việc thiếu đội ngũ có kinh nghiệm tư vấn thiết kế xây dựng công trình xanh, thiếu các tiêu chí riêng về những chuẩn mực của kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái ở Việt Nam cũng đang khiến các nhà đầu tư xây dựng lúng túng. Khi xây dựng, các công trình bắt buộc phải có chứng nhận về công trình sử dụng hiệu quả năng lượng do Sở Xây dựng địa phương thẩm định. Tuy nhiên, chứng nhận về công trình xanh, tòa nhà hiệu quả năng lượng do các tổ chức phi chính phủ thực hiện. Ngoài ra, hệ thống các văn bản chính sách về TKNL ch¬ưa đồng bộ, còn thiếu một số các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, h¬ướng dẫn kỹ thuật. Xu hướng phát triển công trình xanh đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nhưng hầu hết phát triển tự phát. Bản thân lớp vỏ công trình và cách thi công lắp đặt hệ thống tiêu thụ năng lượng trong các công trình còn chưa phù hợp Bên cạnh đó, ý thức TKNL của người sử dụng còn hạn chế, chưa có chế tài xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng lãng phí năng lượng.
Từ năm 2009 Hội đồng công trình xanh Việt Nam đã được thành lập với hình thức là một tổ chức tự nguyện, phi lợi nhuận thúc đẩy đưa vào sử dụng ngày càng nhiều công trình thân thiện môi trường. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ra đời là hành lang pháp lý quan trọng cho quá trình thực hiện ý tưởng xây cao ốc xanh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để “tòa nhà xanh” thực sự đi vào cuộc sống, chính phủ cần đưa vấn đề phát triển cao ốc xanh vào luật bảo vệ môi trường. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ tài chính hoặc chính sách ưu đãi đất đai cho những đơn vị đầu tư xây dựng công trình xanh.

Quang Thuận (Nguồn: tietkiemnangluong.vn)

    Công cụ chuyển đổi

    Từ

    SangTOE

    Bảng quy đổi chi tiết

    Video

    ta-nh-xanh-tit-kim-nng-lng-cn-cc-gii-php-h-tr-kiemtoannangluongvietnam