Chi phí sử dụng than cao nhất 6 năm, khí gas cao nhất 4 năm và dự báo còn tăng tiếp

Giá than cao nhất 6 năm, khí gas cao nhất 4 năm và dự báo còn tăng tiếp - Ảnh 1.

Than đá cao nhất hơn 6 năm

Giá than nhiệt trên thị trường Australia đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2012 do thời tiết nóng ở khắp Bắc Á thúc đẩy hoạt động mua mạnh trước khi vào mùa nhu cầu tăng – mùa Hè.

Than nhiệt là loại than được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, dùng cho các nhà máy nhiệt điện.

Than nhiệt giao ngay tại cảng Newcastle (Australia) ngày 8/7 đạt 115,25 USD/tấn, cao nhất trong vòng hơn 6 năm. Giá than nhiệt đã tăng 130% kể từ năm 2016 khi chạm mức thấp kỷ lục 50 USD/tấn.

Giá than tăng do kinh tế tăng trưởng mạnh, nhất là ở châu Á, trong khi nguồn cung hạn hẹp vì một số mỏ than đóng cửa và việc phát triển những mỏ mới gặp khó do lo ngại về ô nhiễm môi trường và khí hậu nóng lên.

Nguồn cung từ các mỏ của khu vực Nam Mỹ bị gián đoạn cũng góp phần đẩy tăng giá than Newcastle, vì khách hàng buộc phải tìm mua than Australia để thay thế. Cảng Newcastle tắc nghẽn với hàng chục tàu đang chờ bốc xếp than lên. Khắp nơi ở châu Á đang dự trữ than. Nhu cầu từ khu vực Bắc Á tăng mạnh để chuẩn bị cho mùa Hè.

Shane Stephan, Giám đốc điều hành của New Hope – nhà sản xuất than độc lập lớn thứ 3 ở -Australia – dự đoán giá than sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa.

Nhập khẩu than của cả 4 nhà nhập khẩu hàng đầu châu Á đều tăng mạnh. Trung Quốc đã nhập khẩu 104,5 triệu tấn than qua đường biển trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 10,2% tương đương 10,7 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017. Ấn Độ cũng đã mua 77,4 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 3,3% hay 2,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi Nhật Bản nhập 74,1 triệu tấn, tăng 2,4 triệu tấn; và Hàn Quốc nhập khẩu 51,7 triệu tấn, tăng 500.000 tấn. Tính chung cả 4 thị trường này đã tăng nhập khẩu 16,1 triệu tấn than qua đường biển trong 5 tháng đầu năm nay.

Giá than cao nhất 6 năm, khí gas cao nhất 4 năm và dự báo còn tăng tiếp - Ảnh 2.

Tình hình nghiêm trọng hơn khi thiếu vắng nguồn cung mới để đáp ứng nhu cầu. Xuất khẩu từ 3 nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường châu Á đều chỉ vững trong 5 tháng đầu năm nay. Cụ thể, Australia xuất khẩu 161,8 triệu tấn, tăng nhẹ so với 160,6 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái; Indonesia xuất khẩu 167,7 triệu tấn, cũng chỉ tăng nhẹ so với 161,2 triệu tấn, còn Nam Phi vẫn giữ nguyên mức xuất khẩu ở 33,6 triệu tấn.

Như vâỵ, nhu cầu nhập khẩu tăng không thể được đáp ứng hết bởi các nhà xuất khẩu truyền thống, mà được bù đắp bởi Mỹ và Nga. Mỹ đã xuất khẩu 41,7 triệu tấn than trong 5 tháng đầu năm nay (trong đó 14,7 triệu tấn tới châu Á), tăng 14,9% so với 36,3 triệu tấn cùng kỳ năm 2017 (trong đó 21,1 triệu tấn tới châu Á). Tương tự, Nga cũng tăng xuất khẩu thêm 9,8% tương đương 7,1 triệu tấn, lên 79,8 triệu tấn, trong đó 33,2 triệu tấn tới châu Á (tăng 11,8%). Mặc dù vậy giá vẫn cao và không ngừng tăng thêm.

Việc các nguồn cung đẩy tăng sản lượng thêm không phải dễ dàng. Australia không thể tăng cung một cách nhanh chóng, Indonesia thì chủ trương cung cấp thêm than đá cho thị trường trong nước, còn NamPhi bị hạn chế về cơ sở hạ tầng, chủ yếu là hệ thống đường sắt.

Do vậy, mặc dù chi phí vận chuyển từ Mỹ đắt đỏ nhưng khách hàng châu Á vẫn chấp nhận mua. Phần lớn than đá Mỹ xuât khẩu sang châu Á là loại sử dụng luyện thép, nhưng giá than nhiệt đã cao hơn 100 USD/tấn nên khả năng dòng chảy than Mỹ sẽ chảy nhiều sang hướng Đông, nhất là cho những khách hàng Đông Á.

Giá khí gas cao nhất 4 năm

Giá khí gas thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường châu Á cũng tiếp tục tăng lên 10 USD/mmBtu do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc; và một số nhà máy sản xuất gas đóng cửa bảo dưỡng.

Ngày 8/6, LNG giao ngay tại châu Á đạt 9,8 USD/mmBtu, tăng 20% so với cách đây một tuần. Hợp đồng giao tháng 8 được dự báo chắc chắn sẽ tiếp cận mức 10 USD/thùng. Từ giữa tháng 4 tới nay, giá đã tăng trên 30%.

Nhập khẩu LNG vào khu vực châu Á trong 5 tháng đầu năm nay tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 40% so với 5 tháng đầu năm 2013. Nhập khẩu của Trung Quốc và Pakistan trong 5 tháng đầu năm nay tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập vào Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cũng tăng mạnh 15% – 20%. Tại Trung Quốc, xu hướng ngày càng chuyển sang sử dụng khí gas để giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, sản lượng thủy điện thấp do lượng nước không nhiều đã khiến sản lượng nhiệt điện phải gia tăng để bù đắp.

Trong ngắn hạn, giá LNG có thể sẽ còn tiếp tục tăng khi nguồn cung tại kho Sabine Pass của hãng Cheniere Energy (Mỹ) giảm hơn 50% từ giữa tháng 5 và sẽ tiếp tục duy trì mức thấp này trong một thời gian nữa để bảo dưỡng nhà máy, và hãng Angola LNG sẽ đóng cửa bảo dưỡng vào tháng 7. Tuy nhiên, đến cuối năm, nguồn cung từ Australia và Mỹ dự báo sẽ tăng lên.

Nguồn Trí thức Trẻ

    Công cụ chuyển đổi

    Từ

    SangTOE

    Bảng quy đổi chi tiết

    Video

    chi-ph-s-dng-than-cao-nht-6-nm-kh-gas-cao-nht-4-nm-v-d-bo-cn-tng-tip-kiemtoannangluongvietnam