Sổ tay tiết kiệm năng lượng VEA

Sổ tay tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng, vận hành đối với hộ gia đình, biệt thự, chung cư.

LỜI MỞ ĐẦU

Nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua với việc chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sử dụng năng lượng chủ yếu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang một nền kinh tế sử dụng các dạng năng lượng tổng hợp và hiện đại. Việt Nam có nhiều loại nguồn năng lượng sơ cấp nội địa như dầu thô, than đá, khí, thủy điện và năng lượng phi thương mại (năng lượng sử dụng trong sinh hoạt như củi gỗ, các chất phế thải từ sản xuất nông nghiệp, rác) là những nguồn năng lượng được khai thác trong nước. Với mức độ tăng cao về nhu cầu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng từ năm 2015.

Năm 2019, dân số Việt Nam hiện có hơn 96,2 triệu dân, là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới. Mặt khác, theo thống kê của EVN, năm 2019 điện cấp cho công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ lệ 53,5%, quản lý tiêu dùng chiếm 34,4%, thương mại, khách sạn, nhà hàng chiếm 5,5%, nông nghiệp chiếm 2,3%, thành phần khác chiếm 4,2%. Như vậy, một phần lớn nhu cầu năng lượng của nước ta đang phục vụ cho tiêu dùng, sinh hoạt. Để đối phó với tình hình thiếu hụt năng lượng đang diễn ra  trên toàn cầu, Việt Nam cần có những giải pháp tích cực trong việc sản xuất, phân phối và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Một trong những phần tiết kiệm chiếm tỉ trọng lớn trong nhu cầu năng lượng mà chúng ta cần quan tâm chính là năng lượng sử dụng trong quản lý tiêu dùng, sinh hoat. Chúng tôi xây dựng “Sổ tay tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng, vận hành đối với hộ gia đình, biệt thự, chung cư” với mục tiêu mang đến cho người đọc những thông tin hữu ích về cách sử dụng năng lượng tại chính từng hộ tiêu thụ nhỏ một cách hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng cho chính người dùng, đồng thời góp phần làm giảm sức ép lên vấn đề An ninh năng lượng quốc gia.

Tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng, vận hành đối với hộ gia đình, biệt thự, chung cư như thế nào?

         Khoản tiền đầu tư cho Tiết kiệm năng lượng có thể được thực hiện với nhiều phương cách khác nhau. Cách thức tốt nhất là, tránh việc tiêu tốn năng lượng. Việc này có thể dễ dàng thực hiện được bằng cách đầu tư vào các thiết bị gia dụng tiết kiệm điện, chẳng hạn như tủ lạnh, máy giặt, Tivi LCD, lò vi sóng hoặc bóng đèn tiết kiệm điện.

1.Điều hòa không khí, thông gió, làm mát:

Tại các hộ gia đình, máy điều hoà không khí thường có mức tiêu thụ điện lớn nhất. Máy điều hoà tiết kiệm điện có thể đắt hơn loại sản phẩm thông thường khoảng 20-30%, nhưng khoản đầu tư thêm này sẽ được thu hồi bởi việc tiết kiệm năng lượng chỉ trong vòng vài năm.Cách lựa chọn điều hòa:

1.1. Công thức chọn công suất máy lạnh theo thể tích phòng:

Công suất máy (HP) =  Thể tích phòng / (40 đến 45)

*Lưu ý: Có thể chia cho 35 đối với phòng khách hoặc đông người, nhiều ánh sáng.

Ví dụ: Phòng ngủ có kích thước D 6m x R 4m x C 3.5m

  1. Công suất máy = (6 x 4 x 3.5) / 45 = 84 / 45 = 1.87 HP.
  2. Tư vấn nên chọn máy lạnh có công suất 2.0 HP.

Dựa theo công thức trên, bạn có thể chọn công suất máy theo bảng sau:

Công suất Gia đình Văn phòng Cà phê/Nhà hàng Khách sạn
1.0 HP 45 m3 45 m3 30 m3 35 m3
1.5 HP 60 m3 60 m3 45 m3 55 m3
2.0 HP 80 m3 80 m3 60 m3 70 m3
2.5 HP 120 m3 120 m3 80 m3 100 m3

Lựa chọn công suất phù hợp với các khu vực – công năng sử dụng:

1.2. Lựa chọn thương hiệu sản xuất thiết bị:

Thương hiệu điều hòa cũng là cái thể hiện được chất lượng sản phẩm bạn quan tâm. Mỗi thương hiệu lại có thế mạnh riêng để có được vị trí đững vững chãi của mình, tùy vào sở thích hay mức độ tin tưởng của bạn mà bạn có thể chọn mua điều hòa, máy lạnh đúng với thương hiệu mình mong muốn. Tuy nhiên, để đảm bảo thì chúng ta nên sử dụng điều hòa từ những thương hiệu lớn như là điều hòa Samsung, điều hòa Toshiba, điều hòa Electrolux, điều hòa Daikin,…

1.3. Lựa chọn máy lạnh có công nghệ tiết kiệm điện:

Máy lạnh Inverter là các máy sử dụng công nghệ biến tần Inverter giúp thay đổi công suất điện năng sao cho phù hợp nhất với năng lượng, từ đó giảm những hao phí điện năng không cần thiết. Mức độ tiết kiệm điện năng của điều hòa Inverter dao động từ 30 – 60% so với các loại điều hòa thông thường khác

1.4. Lựa chọn loại máy có độ bền và ổn định cao:

Bạn cũng cần quan tâm xem chiếc máy lạnh mà bạn chọn mua có các tính năng, công nghệ gì để bảo vệ độ bền của máy hay không như bảo vệ dàn nóng chống ăn mòn, bảo vệ sụt áp, chống sụt áp.v.v…

Những công nghệ này sẽ giúp cho máy điều hòa của bạn có thời hạn sử dụng lâu hơn, hạn chế những lần bảo hành liên tục như các loại máy không chứa nó, đồng thời tránh phát sinh chi phí sửa chữa sau thời gian bảo hành.

1.5. Cách sử dụng điều hòa hiệu quả và tiết kiệm:

– Chỉnh nhiệt độ ở mức hợp lý, không chênh lệch quá cao với môi trường ngoài. Ví dụ, vào mùa hè, mức nhiệt độ điều hòa, máy lạnh lý tưởng vào ban ngày là 24oC- 26oC, còn vào ban đêm là 26oC – 28oC; ngoài ra bạn nên dùng thêm các loại quạt để tăng độ mát trong phòng mà không cần chỉnh điều hòa xuống nhiệt độ quá thấp.

– Sử dụng một cách linh hoạt các chế độ trên điều khiển điều hòa cũng giúp người sử dụng tiết kiệm được khá nhiều điện năng.Ví như: Khi ngủ, người sử dụng có thểđể điều hòa ở chế độ Sleep. Ở chế độ này máy sẽ tự động làm tăng nhiệt độ phòng lên 1oC – 3oC khi về sáng, giúp cơ thể dễ chịu hơn trong khi ngủ và cũng tiết kiệm điện hơn.

– Không để thất thoát gió lạnh: làm kín các khe cửa sổ, cửa ra vào; hạn chế số lần mở cửa ra vào (lắp bộ lò xo đóng cửa tự động).

– Làm vệ sinh định kỳ máy (3-6 tháng/lần): Năng lượng bị thất thoát khi điều hòa và máy sưởi phải làm việc qua một màng lọc bị dính đầy bụi. Việc làm sạch tấm lọc sẽ giúp tiết kiệm 5% năng lượng và giảm phát thải 80 kg CO2.

– Dàn nóng đặt nơi thoáng gió, không bị nắng chiếu trực tiếp.

– Mặt khác, hãy sử dụng thiết bị che chắn nắng và cửa chớp để giảm nhiệt độ trong phòng

2. Bình nóng lạnh, hệ thống nước nóng:

Nguồn tiêu thụ điện lớn thứ hai trong các hộ gia đình đó là năng lượng để đun nước nóng. Các thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời hiện có sẵn trên thị trường Việt Nam chính là một sự lựa chọn rẻ và khả thi thay cho thiết bị điện. Tại Việt Nam, các khoản đầu tư cho thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời có thể thu hồi chỉ trong vòng 4-6 năm.

Giảm nhiệt độ của bình đun nước nóng cũng là một giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng. Thay vì đặt nhiệt độ là 60oCthì hãy đặt 50oC. Nếu mỗi gia đình giảm nhiệt độ của bình nước nóng xuống 10oC thì mỗi năm chúng ta sẽ giảm được 45 triệu tấn khí CO2 phát thải.

Nên sắp xếp thời gian tắm rửa bằng nước nóng của các thành viên trong gia đình gần nhau để tiết kiệm điện.

Nên muamáy nước nóng loại tốt có lắp bộ an toàn điện, không nên mua loại cũ đã qua sửa chữa.

Nên dùngvòi sen lưu lượng thấp.

3. Hệ thống chiếu sáng

Mặc dù công suất tiêu thụ của các bóng đèn không lớn như những thiết bị điện khác (tủ lạnh, máy điều hòa không khí…) nhưng do sử dụng nhiều bóng và thời gian sử dụng lâu nên nó chiếm một khoản chi phí khá lớn trong tổng chi phí tiền điện.

* Sử dụng chiếu sáng tự nhiên bằng cách:

– Sử dụng các tấm tôn nhựa trong, mờ.

– Sử dụng các cửa sổ lấy ánh sáng có ô văng, giếng trời.

– Bố trí cửa sổ hợp lý.

– Kiến tạo theo lối kiến trúc không gian mở.

– Phối hợp cửa lấy sáng với cửa thông gió.

– Sử dụng kính để trang trí và tạo bề mặt khúc xạ ánh sáng.

* Sử dụng loại đèn chiếu sáng có hiệu suất cao:Theo các nhà nghiên cứu về các loại đèn khác nhau thì đưa ra kết luận đèn LED tiết kiệm được điện năng tiêu thụ hơn 90%  so với đèn sợi đốt và 50 % so đèn compact. Một lý do nữa khiến cho mọi người thích dùng đèn chiếu sáng loại Led đó là tuổi thọ cao. Thông thường một chiếc đèn Led có thể chiếu sáng từ 25000h-50000h, so với đèn huỳnh quang và đèn compact thì cao gấp 4-8 lần.

* Lắp đặt thiết bị hợp lý: Thiết kế, lắp đặt bóng đèn hợp lý sẽ phát huy hiệu quả chiếu sáng của bóng đèn.

CHỈ TIÊU VÀ CHẤT LƯỢNG CHIẾU SÁNG (THAM KHẢO):

STT Không gian chức năng Độ rọi Độ đồng đều Chỉ số hoàn màu Mật độ công suất Giới hạn hệ số chói lóa
1 Phòng khách 300 0,7 80 ≤ 11 19
2 Phòng ngủ 100 80 ≤ 8 22
3 Phòng bếp, ăn 200 80 ≤ 11 22
4 Hành lang, ban công 100 0,5 28
5 Công trình phụ 200 28

* Thường xuyên vệ sinh máng (chóa): Bóng đèn sẽ phát huy hiệu quả chiếu sáng vì một lớp bụi mỏng có thể làm giảm độ sáng từ 10-20%.

* Khi lắp đèn nên sử dụng máng/ chóa đèn để phát huy hiệu quả chiếu sáng của bóng đèn.

* Tắt bóng đèn khi không sử dụng, có thể sử dụng các cảm biến ánh sáng để điều khiển bóng tại một số khu vực như: hành lang, lối đi cầu thang,…

* Thông số kỹ thuật của bóng đèn cần chú ý :

Việc lựa chọn thông minh cho các thiết bị sử dụng hàng ngày ngay từ lúc bắt đầu thiết kế và xây dựng cho căn nhà sẽ giúp bạn tiết kiệm được một phần về kinh tế và những hiệu quả lâu dài sử dụng về sau.

– Công suất tiêu thụ (W): đại lượng biểu thị cho tốc độ điện năng của đèn trong vòng 1h. Hay nói cách khác nó là cho biết mức độ tiêu hao điện của đèn/1 giờ là bao nhiêu. Đèn có công suất càng lớn thì thiết bị tiêu thụ càng nhiều điện năng và ngược lại. Thông thường đối với chiếu sáng trong nhà, tùy vào mục đích sử dụng mà chúng ta sẽ chọn công suất phù hợp với từng loại bóng cho từng vị trí khác nhau

– Quang thông (Lm): là một đại lượng đo lường công suất bức xạ phát ra từ một nguồn sáng. Đơn giản hơn, quang thông là tổng lượng ánh sáng mà đèn phát ra được theo mọi hướng trong 1 giây chiếu sáng.

– Hiệu suất chiếu sáng (Lumen/W): Hiệu suất chiếu sáng là hiệu quả phát sáng của đèn, được tính bằng tỉ số giữa quang thông và công suất tiêu thụ của đèn. Đèn có hiệu suất phát sáng cao là đèn cho quang thông lớn mà lại tiêu thụ ít điện năng hơn. Tức là chỉ số hiệu suất chiếu sáng càng cao thì đèn càng tiết kiệm điện.

– Góc chiếu sáng: Góc chiếu sáng là góc nằm giữa 2 mặt có cường độ sáng tối thiểu bằng 50% cường độ sáng mạnh nhất ở vùng sáng trung tâm. Các nguồn sáng tuy giống nhau nhưng góc chiếu khác nhau sẽ cho ra ảnh của vùng sáng khác nhau. Góc chiếu sáng càng lớn (càng tỏa), cường độ sáng vùng trung tâm càng nhỏ và vùng sáng càng rộng.

– Độ rọi (Lux): Độ rọi là chỉ số độ quang thông trên diện tích bề mặt được chiếu sáng, đơn vị đo là lux (lx). Chỉ số này biểu đạt mức độ ánh sáng trên bề mặt mà con người cảm nhận được mạnh hay yếu.

– Chỉ số hoàn màu (CRI): là chỉ số phản ánh độ trung thực của màu sắc vật thể được chiếu sáng. Giá trị chỉ số CRI càng cao thì màu sắc vật thể được chiếu sáng càng sống động và chân thực. Chỉ số CRI rất quan trọng khi đánh giá một sản phẩm đèn LED, đèn chiếu sáng là tốt hay không?

– Tuổi thị thiết bị (giờ): Thông thường, chúng ta sẽ hiểu rằng tuổi thọ của bóng là khoảng thời gian mà sản phẩm có thể hoạt động trước khi hỏng, nhưng với đèn LED đó là khoảng thời gian bóng led giảm chỉ còn 70% độ sáng ban đầu. Nó chỉ giảm độ sáng theo thời gian. Do đó, tuổi thọ của đèn LED là khi đèn được dự kiến ​​sẽ có độ mờ hơn 30% so với khi mới. Đây cũng là một lợi thế quan trọng khác của đèn LED so với ánh sáng truyền thống.

*Một số yêu cầu cơ bản trong thiết kế:

– Đảm bảo độ rọi theo yêu cầu  xác định theo từng loại công việc cụ thể.

– Không có bóng tối, độ rọi phải đồng đều trên diện tích chiếu sáng( trừ tường hợp riêng.

– Không gây chói lóa trực tiếp cũng như chói lóa phản xạ để tránh mỏi mắt, thần kinh căng thẳng làm việc mất hiệu quả hoặc gây tai nạn lao động.

– Coi trọng yếu tố tiết kiệm năng lượng chiếu sáng.

– Hệ thông điện hoạt động đảm bảo và an toàn.

4. Thiết bị điện gia dụng khác:

4.1. Tủ lạnh:

– Tăng nhiệt độ của tủ lạnh: Tủ lạnh tiêu thụ khoảng 20% lượng điện so với tất cả các đồ gia dụng trong gia đình. Đảm bảo công tắc chế độ tiết kiệm điện luôn được bật. Kiểm tra các miếng đệm xung quanh cửa tủ để đảm bảo chúng luôn sạch sẽ và khít.

– Chọn tủ lạnh có kích thước vừa phải (gia đình 4 người chọn loại 102-180 lít).

– Đặt tủ nơi thoáng mát, cách tường ít nhất 10cm, tránh ánh nắng hoặc gần các nguồn nhiệt.

– Lau sạch bụi bám trên dàn nóng phía sau (loại cũ) và mặt ngoài.

– Cài nhiệt độ các ngăn vừa phải, thường không cần mức lạnh nhất.

– Không cho thức ăn còn nóng vào tủ.

– Không để lớp tuyết bám vào dàn lạnh (tủ đông tuyết) dày quá 5mm.

– Nên mua loại tủ có nhiều cửa.

– Nồi cơm điện:

– Không nên nấu cơm quá sớm, chỉ nên nấu cơm trước khi ăn khoảng 30 đến 45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng.

– Sử dụng nồi cơm điện có dung tích/ công suất phù hợp.

– Lau chùi sạch đáy nồi cơm và mâm nhiệt của nồi cơm điện để tiếp xúc tốt hơn.

4.2. Quạt:

– Thường xuyên vệ sinh quạt định kỳ.

– Sử dụng tốc độ quạt theo nhu cầu cần thiết , nếu sử dụng tốc độ quạt ở số to nhất sẽ tốn hao điện nhất.

– Tận dụng thông gió tự nhiên làm mát cho nhà ở, căn hộ.

4.3. Máy giặt:

– Giặt khối lượng đồ phù hợp với công suất máy.

– Không nên chọn chế độ nước nóng, nếu thật sự không cần thiết.

– Chọn chế độ “tiết kiệm” nếu máy giặt bạn dùng có chế độ này.

 Nên đặt máy ở nơi thông gió, thoáng khí.

– Sau khi dùng xong, nên lau sạch các vết bẩn trong và ngoài máy giặt, tránh vi khuẩn sinh sôi.

– Không nên đặt máy trong nhà bếp, vì hơi nước, hơi dầu mỡ, hơi mặn… bám vào máy dễ làm ẩm, gỉ… máy giặt.

– Định kỳ một năm một lần tháo bánh sóng làm vệ sinh sạch sẽ những vết bụi bẩn bám lâu ngày.

– Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để có biện pháp tra dầu mỡ vào những chi tiết quy định như các ổ trục của bộ phận chuyển động.

– Khi sử dụng máy giặt không nên bỏ đi, hay đi ngủ. Cần chú ý để xử lý những sự cố có thể xảy ra. Nếu thấy máy nóng hoặc phát ra tiếng động lạ nên ngưng giặt để kiểm tra.

4.4. Bàn ủi:

– Không ủi đồ vào những giờ cao điểm.

– Tập trung nhiều đồ để ủi một lần (có thể ủi một lúc vào đầu tuần hoặc cuối tuần)

– Khi ủi nên thực hiện ủi theo thứ tự: ủi đồ mỏng rồi ủi đồ dày sau đó rút phích cắm và tận dụng sức nóng còn lại để ủi đồ mỏng.

– Khi ủi nên kiểm tra cài đặt nhiệt độ của bàn ủi thích hợp cho loại vải cần ủi.

– Không dùng bàn ủi trong phòng có bật máy điều hoà nhiệt độ hoặc khi quần áo còn ướt.

– Lau sạch bề mặt kim loại của bàn ủi sẽ giúp hoạt động có hiệu quả hơn.

4.5. Lò vi sóng:

– Trước khi sử dụng lò vi sóng, nên xem kỹ và tuân theo các hướng dẫn của mỗi lò nấu.

– Nên dùng đồ đựng thực phẩm an toàn trong lò vi sóng như dụng cụ bằng thủy tinh, đồ sứ, đồ gốm, một vài loại plastic, giấy cứng.

– Luôn luôn dùng đồ nấu lớn hơn món ăn để khỏi tràn ra ngoài.

– Không bật lò vi sóng trong phòng có điều hoà nhiệt độ, không đặt gần các đồ điện khác để không ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các đồ điện này.

– Không nên dùng đồ sứ có viền kim loại vì sẽ gây ra tia điện. Đồ kim loại hút giữ nhiệt, làm thực phẩm lâu chín và cũng gây ra tia điện.

– Không dùng các hộp làm bằng chất dẻo đựng thực phẩm bán sẵn, các hộp xốp, bao giấy nâu vì hóa chất độc từ các thứ này khi nóng có thể lẫn vào thức ăn.

– Không dùng đồ đựng bằng gỗ vì khi nóng sẽ nứt. Không dùng đồ đựng bằng nylon hoặc poly-ester vì có thể chảy mềm. Đừng đậy món ăn quá kín vì áp lực bên trong lên cao sẽ nổ tung. Nên phủ đồ nấu với miếng khăn giấy áp hoặc miếng plastic mỏng để giữ hơi ẩm cho món ăn.

– Để nấu ăn an toàn, chúng ta không nấu khi cửa lò không đóng kín hoặc bị vênh.

– Luôn luôn có nước hoặc thực phẩm ướt khi dùng lò, để ống magnetron không bị hư hao. Khi món ăn quá khô, có thể để một ly nước trong lò.

4.6. Máy vi tính:

– Tắt màn hình hoặc chọn chế độ ScreenSaver khi tạm dừng

– Tắt máy và rút phích cắm khi không sử dụng

– Nên sử dụng máy laptop hoặc sử dụng máy vi tính màn hình LCD.

4.7. Ti vi, đầu máy… và các thiết bị điện tử điều khiển từ xa:

– Đối với những thiết bị này nếu tắt bằng điều khiển từ xa (remote) thì thiết bị vẫn tiêu thụ điện vì vậy nên tắt bằng nút power và rút phích cắm ra khỏi ổ cắm.

– Không nên để màn hình ti vi ở chế độ sáng quá để đỡ tốn điện.

– Nên chọn kích cỡ ti vi phù hợp với diện tích nhà bạn vì ti vi càng to càng tốn điện.

 KẾT LUẬN:

Năng lượng được sử dụng có tiết kiệm, có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của chính người sử dụng. Việc nâng cao hiểu biết và ý thức của người sử dụng năng lượng là một trong những yếu tố cốt lõi trong việc tiết kiệm năng lượng.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội; giảm cường độ tiêu thụ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, trong sinh hoạt; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thông qua nội dung được truyền tải trong “Sổ tay tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng, vận hành đối với hộ gia đình, biệt thự, chung cư”, Chúng tôi mong muốn sẽ giúp người đọc có những thông tin hữu ích về cách sử dụng, vận hành đối với các hệ thống, thiết bị tiêu thụ năng lượng tại chính gia đình mình…

Công cụ chuyển đổi

Từ

SangTOE

Bảng quy đổi chi tiết

Video

s-tay-tit-kim-nng-lng-vea-kiemtoannangluongvietnam